Dự án được thực hiện trong vòng 5 năm với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro đối với cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Tổng vốn dự kiến của dự án là 22,22 triệu USD, trong đó vốn ODA không hoàn lại là 21,78 triệu USD và vốn đối ứng của phía Việt Nam là 10 tỷ đồng. Sáu tỉnh thành đầu tiên được lựa chọn để thực hiện dự án bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
Ông Claudio Dordi, giám đốc Dự án cho biết, Dự án thuận lợi thương mại sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn và dễ dự đoán hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng như các nhà thương mại và đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, giúp cải cách, chuẩn hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trong thời gian qua, trước yêu cầu của thực tiễn thương mại thế giới, xuất phát từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế cũng như cam kết về một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Với tinh thần này, từ năm 2016, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã được thành lập với cơ quan thường trực đặt tại Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối 13 Bộ, ngành với 173 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối với 5 nước ASEAN và cùng với các nước này tiến hành trao đổi dữ liệu điện tử giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D với số lượng hơn 90.000 C/O điện tử để thực hiện hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA). Hiện tại hệ thống của Việt Nam đang chấp nhận kiểm nghiệm kết nối từ các nước thành viên ASEAN khác và sẵn sàng thử nghiệm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử giữa các nước đã kết nối.
Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại tự do, công bằng và các bên đều có lợi và công cuộc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam |
Đánh giá cao những nỗ lự của Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên, chuyên gia USAID đánh giá cho rằng, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, các cơ quan liên quan của Việt Nam cần tập trung giải quyết công tác chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa nhiều hơn nữa. Để làm được việc này thì phải kiểm tra sau thông quan thay vì kiểm tra ngay tại cửa khẩu. Muốn giảm thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp thì cơ quan Hải quan phải quản lý dựa trên rủi ro. Công tác quản lý rủi ro không chỉ ở cửa khẩu mà cả kiểm tra sau thông quan.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do Hoa Kỳ tài trợ được Chính phủ Việt Nam xác định là thiết thực, đúng thời điểm và cần thiết, đáp ứng được yêu cầu mong đợi của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TFA và tổ chức triển khai các FTA thế hệ mới. “Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những ưu tiên hợp tác và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cụ thể của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Hoa Kỳ-Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2020” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện hướng đến những vấn đề mang tính thời sự, gắn với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam về cải cách và chuẩn hóa thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế trong nỗ lực hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế. |
- Thủ tục nhập khẩu máy soi kim cương (20.04.2020)
- Thủ tục xuất khẩu quả sầu riêng (05.04.2020)
- Thủ tục xuất khẩu hạt mắc ca (macadamia nuts) chưa bóc vỏ (05.04.2020)
- Thủ tục xuất khẩu ớt tươi (04.04.2020)
- Long An: Phát hiện hai cơ sở tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng (04.04.2020)
- Phát hiện gần 800.000 khẩu trang y tế xuất lậu qua sân bay quốc tế Nội Bài (03.04.2020)
- Hướng dẫn kiểm tra ghi nhãn hàng hóa gửi kho ngoại quan (03.04.2020)
- Tồn gần 1.200 xe, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó (02.04.2020)
- Trung Quốc không tiếp nhận lái xe từ 5 địa phương có nguy cơ dịch của Việt Nam (02.04.2020)
- Hải quan Hà Nội: Vẫn trực giải quyết thủ tục thông quan trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ (02.04.2020)